Cơ hội thăng tiến, cánh cửa phát triển trong tay bạn.

Đăng ký ngay

    Cơ hội thăng tiến, cánh cửa phát triển trong tay bạn.

    Đăng ký ngay

      a

      FTMS Việt Nam

        /  Kiến thức   /  13 mẹo giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng trên LinkedIn
      13 mẹo giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng trên LinkedIn

      13 mẹo giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng trên LinkedIn

      image 33

      Trong thời đại 4.0, người ta không chỉ dùng công nghệ để giải trí, cập nhật tin tức mà còn là để vận dụng những cơ hội vàng, khẳng định bản thân, vươn lên trong sự nghiệp. Bạn đã quá quen với Facebook? Bạn tham gia hàng loạt các nhóm tuyển dụng trên đó? Bạn tạo CV và rải hồ sơ khắp các trang tuyển dụng lớn nhỏ? Bạn nghĩ là đã quá đủ? Nhưng thật thiếu sót nếu bạn chưa có bất kỳ hồ sơ nào trên Linkedin. 

      Với 675 triệu người dùng, 50 triệu công ty và 90.000 trường học đăng ký tài khoản, Linkedin được xem như một lưu đồ của thị trường lao động trên thế giới. 

      Hầu hết người đi làm đều tạo cho mình một tài khoản trên Linkedin bất chấp họ là nhân viên, chuyên viên hay CFO, quản lý… Miễn là có nhu cầu tìm việc hoặc tuyển dụng thì người ta lại nhớ đến Linkedin. 

      I. Vậy nhưng, bạn có thực sự cần thiết phải tạo một hồ sơ trên Linkedin không? 

      Câu trả lời là có, bởi Linkedin đã tác động rất nhiều đến thị trường tuyển dụng trong nhiều năm trở lại đây. Theo Heather Townsend – Tác giả của quyển The FT Guide To Business Networking và là đồng tác giả của How to Make Partner and Still Have a Life thì Linkedin “là một trong những nơi đầu tiên mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên”. 

      Nhưng giữa hàng trăm triệu hồ sơ thì vấn đề quan trọng là bạn phải biết cách làm cho mình nổi bật, cố gắng tiếp thị bản thân một cách tươi trẻ, mới mẻ, cầu tiến. Nếu làm tốt, Linkedin sẽ là phương tiện giúp bạn quảng bá thương hiệu cá nhân hữu hiệu nhất trong thời đại công nghệ như hiện nay. 

      II. Hồ sơ trên Linkedin là gì 

      “LinkedIN không phải chỉ là một tờ CV trực tuyến, nó là một showcase chuyên nghiệp dành cho bạn” – Townsend nói “vì vậy hãy để bản thân và cá tính của bản thân được tỏa sáng, hãy xây dựng thương hiệu cho mình”. Thật vậy, không giống như CV chỉ tập trung vào nghề nghiệp quá khứ, hồ sơ trên Linkedin sẽ giúp bạn kết nối với mọi người và công việc trong tương lai. Vì vậy, hãy đầu tư và suy nghĩ thật cẩn thận những gì bạn muốn thể hiện trên đó. 

      III. Làm thế nào để có được một hồ sơ Linkedin thật thu hút 

      Đầu tiên, dĩ nhiên nếu chưa có tài khoản Linkedin thì bạn hãy đăng ký ngay hôm nay. Và trước khi ra hiệu cho các nhà tuyển dụng về sự xuất hiện của bạn thì hãy chắc chắn rằng bạn có một hồ sơ hoàn chỉnh. Rất nhiều người đã không thực sự nghiêm túc khi bổ sung thông tin lên tài khoản của mình, điều này chẳng những không mang lại ích lợi mà còn khiến bạn bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp. Họ sẽ tự hỏi nếu ngay cả thời gian đầu tư cho những dòng hồ sơ mà bạn còn không muốn thì liệu bạn còn có kiên nhẫn để làm việc gì chứ? 

      Dưới đây là 13 tips giúp cải thiện profile Linkedin với những thông số do chính LinkedIn cung cấp, góp phần mang lại hình ảnh chuyên nghiệp cho bạn. 

      image 34

      Viết profile trên Linkedin chuyên nghiệp và rõ ràng 

      1.  Tiêu đề 

      Khi nhà tuyển dụng bắt đầu tìm kiếm, họ sẽ nhập các từ khóa liên quan đến lĩnh vực mà họ mong muốn vì vậy hãy đảm bảo bạn có sử dụng từ khóa đó trong tiêu đề của mình. Ví dụ  nếu bạn muốn “ra tín hiệu” với các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm vị trí kế toán viên có chứng chỉ ACCA thì hãy đặt tiêu đề là Trợ lý kế toán ACCA  hoặc thực tập sinh kiểm toán có chứng chỉ ACCA. 

      Tiêu đề càng sát với nghề nghiệp mong muốn bao nhiêu thì khả năng “nhắm đúng mục tiêu” của bạn càng cao bấy nhiêu. 

      2. Ảnh đại diện 

      Nếu bạn có những ảnh chụp chuyên nghiệp thì hãy sử dụng nó nếu không thì chỉ nên upload những hình ảnh thể hiện khuôn mặt hoặc từ phần vai trở lên. Tránh những hình ảnh quá sức đời thường, như chụp ở một buổi sinh nhật bạn bè, đi biển… 

      Linkedin cho biết: 

      Nếu bạn thiết lập ảnh đại diện chuyên nghiệp, bạn sẽ có được: 

      •       Gấp 9 lần yêu cầu kết nối. 
      •       Gấp 21 lần lượt xem profile. 
      •       Gấp 36 lần lượt nhận tin nhắn. 

      3. Ngành nghề của bạn 

      Hãy cho mọi người biết ngành nghề, lĩnh vực hoạt động mà bạn có nhiều kinh nghiệm nhất ví dụ như hàng không, ẩm thực, đồ uống, ngân hàng, tổ chức phi chính phủ, chính phủ, dịch vụ tài chính… 

      Linkedin cho biết: 

      •       Các thành viên ghi rõ thông tin chuyên ngành sẽ có thể đạt được lượt xem hồ sơ gấp 9 lần 
      •       Hồ sơ cũng sẽ nhận hơn 300.000 người tìm kiếm theo ngành trên LinkedIn mỗi tuần. 

      4. Một bản tóm lược về bản thân hấp dẫn 

      Nếu bạn biết nguyên tắc “chiếc cầu tuột” của những những người làm trong lĩnh vực viết lách thì bản tóm lược chính là chiếc cầu tuột đó. Sự hấp dẫn của nó sẽ khiến nhà tuyển dụng mong muốn khám phá tiếp về bạn nhưng đừng dài dòng, hãy súc tích, chú trọng vào thành tựu nghề nghiệp, kỹ năng cốt lõi, lĩnh vực chuyên môn và nguyện vọng của bạn. 

      Linkedin cho biết: 

      •       Bản tóm lược bản thân tốt sẽ không dưới 40 từ nhưng cũng không nên viết quá dài (khuyến nghị bạn nên viết từ 100 đến 200 từ). 

      5. Chi tiết về kinh nghiệm làm việc 

      Một trong những điều tuyệt vời khi tạo hồ sơ trên LinkedIn là bạn có thể cung cấp những thông tin chi tiết về bối cảnh công việc hơn CV. Tuy nhiên với những người mới đi làm thì phần này khá khó khi họ không có quá nhiều thông tin nhưng hãy nhớ rằng Linkedin không phải là CV, bạn có thể tích hợp vào những kinh nghiệm và thành tích có liên quan trong cuộc đời. Hãy nhớ “Không có ai là không có gì để nói về mình”. 

      Một lần nữa, đừng viết dài dòng mà hãy mô tả rõ ràng vai trò hiện tại, trước đây của bạn, bao gồm cả trách nhiệm, thành tựu hoặc những lợi ích mà bạn đã mang đến cho công ty của bạn. 

      Linkedin cho biết: 

      Thành viên cập nhật những thông tin về kinh nghiệm thường xuyên sẽ có: 

      • Yêu cầu kết nối nhiều hơn gấp 5 lần.
      • Lượt xem hồ sơ gấp 8 lần. 
      • Khả năng nhận tin nhắn gấp 10 lần. 

      6. Thể hiện những thành quả công việc của bạn 

      Hãy tải lên các sản phẩm như bài thuyết trình, hình ảnh, video, dự án, ấn phẩm của bạn bởi đây là cách để bạn thể hiện bản thân một cách chuyên nghiệp và góp phần làm cho hồ sơ trở nên tuyệt vời, sinh động hơn. 

      7. Trình độ học vấn 

      Hãy thêm vào hồ sơ tất cả thông tin liên quan đến trình độ của bạn bao gồm bằng cấp, chứng chỉ chẳng hạn như chứng chỉ ACCA, CFA, CIMA, CMA… Bên cạnh đó, đừng quên điền đầy đủ thông tin đơn vị, tổ chức, trường đại học mà bạn được cấp các chứng chỉ đó. Đây cũng là cách giúp bạn kết nối với các cựu sinh viên, những người có liên quan và những công việc mơ ước. 

      8. Thành tựu / Giải thưởng 

      Không cần diễn giải quá nhiều, bạn cũng sẽ biết thành tựu hoặc giải thưởng là bằng chứng chứng minh cho năng lực của bạn tốt nhất. Bạn có thể liệt kê cả những giải thưởng cá nhân hoặc nhóm mà bạn có đóng góp. 

      9. Kinh nghiệm tham gia hoạt động tình nguyện 

      Bất kỳ hoạt động tình nguyện nào dù là của địa phương hay quốc gia, dẫu có liên quan hay không liên quan đến ngành nghề cũng là sự tham chiếu tuyệt vời cho nhà tuyển dụng. Qua đó, họ cũng có thể hiểu thêm phần nào tính cách của bạn. 

      Linkedin cho biết: 

      •       Thành viên thêm kinh nghiệm tình nguyện và nguyên nhân sẽ nhận được lượt xem gấp 6 lần so với những người không có. 

      10. Thêm vào hồ sơ các kỹ năng của bạn 

      Hãy liệt kê tất cả những kỹ năng mà bạn có vào hồ sơ bao gồm kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng mềm, các kỹ năng Transferable mà bạn tích lũy được. 

      Linkedin cho biết: 

      •       Thành viên thêm từ 5 kỹ năng trở lên sẽ nhận được lượt xem hồ sơ gấp 17 lần. 

      11. Thông tin người tham khảo 

      Bây giờ hồ sơ của bạn đã trông thật hoàn thiện và thu hút mọi người kết nối với bạn. Trang web sẽ hiểu bạn hơn và bắt đầu hiển thị nó cho những người quan tâm đến nội dung mà bạn cung cấp. Vì vậy, bạn hãy bổ sung cho mình những lời giới thiệu, đánh giá từ mọi người bằng cách kết nối với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hiện tại hoặc trước đây, các nhà quản lý, khách hàng… 

      12.  Tham gia các mạng lưới kết nối 

      Hãy tham gia các nhóm cho phép bạn kết nối với những nằm trong đối tượng mục tiêu của bạn như liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, ngành nghề, cựu sinh viên, niềm đam mê, hoạt động xã hội… Nó sẽ giúp bạn thể hiện một hình ảnh tích cực trong mắt nhà tuyển dụng và biến bạn thành ứng viên tiềm năng. 

      13.  Viết blog 

      Hãy chú trọng vào các bài viết blog và tin tức làm nổi bật sự hiểu biết của bạn với ngành nghề. Những hãy cẩn thận với việc gửi thư rác, nên cập nhật trạng thái để chia sẻ cái nhìn sâu sắc, bài viết hoặc ý kiến hữu ích trong ngành. 

      Bây giờ hẳn là bạn đã sẵn sàng để public hồ sơ Linkedin của mình nhưng hãy nhớ là bạn phải cập nhật thường xuyên để hồ sơ luôn trông thật mới mẻ, có tính thời đại và được ưu tiên xuất hiện hơn trong mạng lưới của Linkedin. Mến chúc bạn thành công. 

      Có thể bạn sẽ thích

      Bình luận

      error: Content is protected !!