6 rủi ro từ ChatGPT mà kiểm toán nội bộ cần lưu ý
Theo nghiên cứu của Gartner, các nhà lãnh đạo pháp lý, kiểm toán nội bộ và tuân thủ đã xác định được 6 rủi ro mà ChatGPT gây ra.
Rủi ro về thông tin/câu trả lời bịa đặt, không chính xác; quyền riêng tư và bảo mật; phân biệt đối xử và bất công xã hội; sở hữu trí tuệ và bản quyền; gian lận trên mạng; bảo vệ người tiêu dùng là 6 rủi ro mà kiểm toán nội bộ (KTNB) cần thường xuyên đánh giá khi ứng dụng ChatGPT.
Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT (mô hình ngôn ngữ lớn có khả năng tạo văn bản giống như đang trò chuyện với người thật chỉ với những từ khóa cơ bản) đang trở thành công cụ phổ biến tại nhiều doanh nghiệp với nhiệm vụ tra cứu thông tin, viết và chỉnh sửa báo cáo, quản lý thời gian… Tuy nhiên, trên thực tế, ứng dụng này không hoàn hảo và có thể tạo ra những rủi ro lớn khó kiểm soát.
Theo nghiên cứu của Gartner, các nhà lãnh đạo pháp lý, KTNB và tuân thủ đã xác định được 6 rủi ro mà ChatGPT gây ra, đồng thời, xem xét các biện pháp phù hợp nhất để đảm bảo doanh nghiệp, khách hàng, bên thứ ba sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo một cách trách nhiệm, hiệu quả, tránh mọi hậu quả pháp lý, uy tín và tài chính.
Rủi ro về thông tin/câu trả lời bịa đặt, không chính xác
Vấn đề phổ biến nhất với ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo chatbox khác là cung cấp thông tin không chính xác, mặc dù cách trả lời có vẻ rất hợp lý. Bản thân ChatGPT cập nhật thông tin từ các nền tảng khác nhau và từ chính người dùng nên việc sao chép và truyền tải sai thông tin, đưa ra các trích dẫn khoa học, pháp lý không tồn tại là điều hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí xảy ra thường xuyên. Do đó, KTNB cần có đánh giá rõ ràng về rủi ro này và tư vấn cho các nhà lãnh đạo, bộ phận pháp lý và tuân thủ về việc ban hành hướng dẫn, yêu cầu nhân viên xem xét mọi thông tin do ChatGPT tạo ra để đảm bảo tính chính xác, phù hợp và hữu ích.
Rủi ro về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu
Theo các chuyên gia của Gartner, kiểm toán viên nội bộ cần lưu ý rằng mọi thông tin được nhập vào ChatGPT đều có thể trở thành một phần trong tập dữ liệu của ChatGPT. Như vậy, các thông tin nhạy cảm, độc quyền hoặc bí mật của tổ chức sẽ được sử dụng trong câu trả lời cho người dùng khác bên ngoài tổ chức. Rõ ràng, tổ chức cần thiết lập một khuôn khổ tuân thủ cho việc sử dụng ChatGPT và nghiêm cấm việc nhập dữ liệu cá nhân hoặc tổ chức vào các công cụ chatbox công khai.
Rủi ro về phân biệt đối xử và bất công xã hội
Bất chấp những nỗ lực của OpenAI nhằm giảm thiểu sự thiên vị và phân biệt đối xử trong ChatGPT, rất nhiều trường hợp ChatGPT đã tạo ra kết quả đầu ra vô nghĩa, không chính xác, thậm chí là phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc hoặc xúc phạm các cá nhân khác. Hơn nữa, phụ nữ và những người thuộc các nhóm thiểu số có nhiều khả năng bị quấy rối và bắt nạt trực tuyến.
Việc loại bỏ hoàn toàn sự thiên vị là không thể, nhưng các quy định và việc tuân thủ cần phải được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên nhằm đảm bảo các nhân viên trong doanh nghiệp duy trì văn hóa và đạo đức. Các kiểm toán viên nội bộ có thể tham khảo ý kiến chuyên gia về chủ đề này và xây dựng một chức năng đánh giá dựa trên công nghệ nhằm kiểm soát chất lượng dữ liệu.
Rủi ro về sở hữu trí tuệ và bản quyền
ChatGPT được thường xuyên cập nhật dữ liệu, trong đó có thể bao gồm tài liệu có bản quyền. Do đó, đầu ra của thông tin mà ứng dụng này cung cấp có khả năng vi phạm bản quyền hoặc vấn đề sở hữu trí tuệ. Hiện nay, ChatGPT không cung cấp chính xác nguồn tài liệu tham khảo hoặc các giải thích về cách thông tin được tạo ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc KTNB phải phối hợp chặt chẽ với các nhà lãnh đạo pháp lý và tuân thủ để theo dõi thông tin đầu ra của ChatGPT. Đồng thời, yêu cầu người dùng xem xét kỹ lưỡng mọi thông tin để đảm bảo không vi phạm bản quyền hoặc quyền sở hữu trí tuệ.
Rủi ro gian lận trên mạng
Những kẻ xấu đã lạm dụng ChatGPT để tạo thông tin sai lệch trên quy mô lớn, chẳng hạn như các đánh giá, âm thanh và video giả mạo. Hơn nữa, các ứng dụng như ChatGPT cũng có khả năng bị tấn công mạng, bị thay đổi mô hình thực hiện các tác vụ, từ đó xuất hiện phần mềm độc hại hoặc lừa đảo. Với rủi ro này, KTNB cần phối hợp với nhóm an ninh mạng để tìm hiểu và đánh giá khả năng chống chịu với các cuộc tấn công. Đồng thời, tiến hành kiểm tra các nguồn thông tin, tài khoản sử dụng để xác minh chất lượng thông tin.
Rủi ro bảo vệ người tiêu dùng
Các doanh nghiệp không tiết lộ việc sử dụng ChatGPT cho người tiêu dùng (sử dụng ChatGPT để hỗ trợ khách hàng) sẽ có nguy cơ mất lòng tin của khách hàng và bị buộc tội theo nhiều quy định khác nhau. Chẳng hạn, một số nước có quy định rằng với người tiêu dùng, các tổ chức phải tiết lộ rõ ràng về việc người tiêu dùng đang giao tiếp với trí tuệ nhân tạo, chatbox tự động… Như vậy, các nhà lãnh đạo tuân thủ và pháp lý cần đảm bảo việc sử dụng ChatGPT trong tổ chức tuân thủ các quy định và luật có liên quan, đồng thời tiết lộ thông tin thích hợp cho khách hàng.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo tại các tổ chức, doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu và có khả năng bùng nổ trong những năm tới. Khi các ứng dụng này phát triển và nhân viên bắt đầu sử dụng chúng theo những cách khác nhau, những rủi ro mới chắc chắn sẽ xuất hiện. Các chuyên gia pháp lý, rủi ro, KTNB phải luôn cập nhật những rủi ro mới nổi này và đánh giá chúng để đảm bảo không gây ra hậu quả tiêu cực cho tổ chức.
Theo: Báo Kiểm Toán
Có thể bạn sẽ thích
-
CIMA – Quản trị nguồn thông tin & dữ liệu
Để đưa ra những quyết định đúng đắn, người đứng đầu doanh nghiệp cần nguồn thông tin kinh doanh và dữ liệu đa chiều và chất lượng.
-
Tăng tính đầy đủ, hữu hiệu của chức năng kiểm toán nội bộ
Để tăng cường tính đầy đủ, hữu hiệu của chức năng kiểm toán nội bộ (KTNB), Singapore đã đưa ra 10 nguyên tắc đánh giá.
-
Khóa học IFRS Course
FTMS Việt Nam hiện đang cung cấp các chương trình đào tạo lập báo cáo tài chính quốc tế và thi lấy chứng chỉ Cert IFR và DipIFRS.
-
Mức lương tham khảo của CMA member
Mức lương trung bình cơ bản của một hội viên CMA ở Hoa Kỳ trong năm 2018 là 94.000 đô la, bao gồm tiền thưởng và tổng thu nhập.
-
Bảng cân đối kế toán là gì? Nội dung bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán là gì và đóng vai trò như thế nào đối với doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải thích khái niệm bảng cân đối kế toán.
-
Nên học CerIFR hay Chuyển đổi VAS sang IFRS
Nên học CerIFR hay Chuyển đổi VAS sang IFRS là câu hỏi mà không ít anh/chị đang làm việc trong ngành kế toán tài chính quan tâm.
-
Vai trò và sự khác biệt của kế toán quản trị với kế toán tài chính
Kế toán quản trị đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với tổ chức, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Vậy chức năng của nó là gì?
-
Top 10 website hữu ích nhất cho dân tài chính
Mời các bạn cùng FTMS Việt Nam điểm qua 10 website hữu ích dành cho dân kinh tế tài chính với các kiến thức chuyên sâu từ các chuyên gia nhé.
-
4 lời khuyên khi học thi CFA Level 2 từ FTMS Việt Nam
Cùng FTMS Việt Nam khám phá 4 lời khuyên hữu ích trước khi bạn bắt tay vào theo đuổi chương trình CFA Level 2 nhé.
Bình luận