Cơ hội thăng tiến, cánh cửa phát triển trong tay bạn.

Đăng ký ngay

    Cơ hội thăng tiến, cánh cửa phát triển trong tay bạn.

    Đăng ký ngay

      a

      FTMS Việt Nam

        /  Kiến thức   /  Đánh giá rủi ro liên tục: Những lưu ý đối với kiểm toán viên nội bộ
      Đánh giá rủi ro liên tục: Những lưu ý đối với kiểm toán viên nội bộ

      Đánh giá rủi ro liên tục: Những lưu ý đối với kiểm toán viên nội bộ

      Đây là những thông tin kiểm toán viên nội bộ cần lưu ý để áp dụng quy trình đánh giá rủi ro liên tục một cách có hiệu quả.

      Đánh giá rủi ro liên tục và lặp đi lặp lại tạo ra một vòng phản hồi liên tục, cho phép các tổ chức xác định, phân tích và ứng phó với rủi ro trong thời gian thực. Để áp dụng quy trình này một cách hiệu quả, kiểm toán viên nội bộ cần lưu ý những gì?

      Nhiều lợi ích khi đánh giá rủi ro

      Theo truyền thống, việc đánh giá rủi ro thường được tiến hành định kỳ (hằng năm hoặc 6 tháng/lần), nhưng với bối cảnh đầy biến động hiện nay, các tổ chức buộc phải chuyển sang đánh giá rủi ro liên tục và lặp đi lặp lại. Các chuyên gia của Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA) cho biết, 4 yếu tố cấu thành nên phương pháp này, gồm: Đánh giá và giám sát rủi ro liên tục, đảm bảo hồ sơ rủi ro luôn được cập nhật; thích nghi và ứng phó kịp thời với bối cảnh rủi ro đang thay đổi; cung cấp thông tin chi tiết về rủi ro theo thời gian thực hoặc gần thời gian thực giúp đưa ra quyết định kịp thời và chủ động giảm thiểu rủi ro; tích hợp quản lý rủi ro một cách liền mạch vào các quy trình kinh doanh hiện có, đảm bảo các cân nhắc về rủi ro được đưa vào các hoạt động hằng ngày.

      Việc áp dụng đánh giá rủi ro liên tục và lặp đi lặp lại đem lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn, lãnh đạo doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định nhanh hơn, tốt hơn, cũng như thích ứng tốt hơn với môi trường rủi ro thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là với các rủi ro về công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Từ những thông tin được cập nhật thường xuyên, các tổ chức có thể đưa ra quyết định sáng suốt, phân bổ nguồn lực hiệu quả và ưu tiên các nỗ lực giảm thiểu rủi ro. Điều này nâng cao khả năng ra quyết định tổng thể trong toàn tổ chức.

      Bằng cách áp dụng quy trình đánh giá rủi ro liên tục, các công ty có khả năng phát hiện rủi ro sớm, giảm khả năng chúng biến thành vấn đề nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đánh giá rủi ro liên tục giúp các công ty trở nên nhanh nhẹn và phản ứng kịp thời thông qua việc liên tục theo dõi môi trường kinh doanh, quy trình nội bộ, các yếu tố bên ngoài để điều chỉnh các chiến lược giảm thiểu rủi ro phù hợp. Tính linh hoạt này rất quan trọng trong thị trường thay đổi nhanh chóng ngày nay.

      Ngoài ra, đánh giá rủi ro liên tục có thể được tích hợp liền mạch vào các quy trình kinh doanh hiện có, trở thành hoạt động hằng ngày, thúc đẩy văn hóa nhận thức rủi ro và đảm bảo rằng quản lý rủi ro là trách nhiệm chung trong toàn tổ chức. Bằng cách đón đầu các rủi ro mới nổi, các tổ chức có thể tăng cường khả năng phục hồi trước những gián đoạn tiềm ẩn, giảm thiểu tổn thất tài chính, trách nhiệm pháp lý, cải thiện khả năng chịu đựng và phục hồi sau các sự kiện bất lợi, từ đó, nâng cao danh tiếng, niềm tin của các bên liên quan và lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

      Các bước quan trọng trong đánh giá rủi ro

      Mặc dù đánh giá rủi ro liên tục và lặp lại có nhiều lợi ích nhưng nó cũng có những hạn chế nhất định. Việc xác định các rủi ro mới nổi và kết hợp chúng vào quy trình đánh giá rủi ro có thể là một thách thức bởi rủi ro mới thường không rõ ràng ngay lập tức hoặc không phù hợp với khuôn khổ rủi ro hiện có. Các tổ chức có thể phải đối mặt với những thách thức về tính sẵn có của dữ liệu, đặc biệt là đối với các rủi ro mới nổi. Chất lượng và tính đầy đủ của dữ liệu được thu thập có thể ảnh hưởng đến độ chính xác và hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

      Bên cạnh đó, sự thay đổi hoặc thiếu hiểu biết về chiến lược có thể cản trở việc đánh giá rủi ro. Thêm vào đó, việc theo dõi liên tục và cập nhật thường xuyên có thể dẫn đến trường hợp tập trung vào rủi ro ngắn hạn hơn là rủi ro chiến lược dài hạn, tác động lâu dài đến các mục tiêu và tính bền vững của tổ chức. Do đó, các tổ chức nên xem xét cẩn thận những hạn chế này để điều chỉnh phương pháp quản lý rủi ro phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và các nguồn lực sẵn có.

      Các chuyên gia khuyến nghị, để áp dụng quy trình đánh giá rủi ro liên tục và lặp lại một cách hiệu quả, các kiểm toán viên nội bộ có thể xem xét các bước sau:

      Xác định các loại rủi ro: Rủi ro hoạt động, tài chính, chiến lược, tuân thủ hoặc uy tín, loại khác.

      Xây dựng các tiêu chí đánh giá rủi ro rõ ràng để đánh giá và ưu tiên các rủi ro trong mỗi danh mục; xem xét các yếu tố như: Khả năng xảy ra, tác động và sự phụ thuộc lẫn nhau để đảm bảo đánh giá toàn diện.

      Thiết lập khung quản lý rủi ro, bao gồm: Việc xác định mức độ chấp nhận rủi ro, mục tiêu, các chính sách và quy trình quản lý rủi ro cũng như phân công vai trò và trách nhiệm.

      Triển khai hệ thống giám sát rủi ro: Kiểm toán nội bộ sử dụng công nghệ và các công cụ dựa trên dữ liệu để giám sát và nắm bắt thông tin liên quan đến rủi ro trong thời gian thực. Điều quan trọng trong giai đoạn này là thu hút sự tham gia của các nhà quản lý trong quy trình giám sát và xác định rủi ro.

      Thúc đẩy văn hóa nhận thức rủi ro và trách nhiệm giải trình trong toàn tổ chức: Khuyến khích nhân viên ở tất cả các cấp báo cáo rủi ro, chia sẻ hiểu biết sâu sắc và tích cực tham gia vào quá trình đánh giá rủi ro. Đồng thời, định hướng cho nhân viên các cấp về tầm quan trọng của việc đánh giá rủi ro, vai trò của họ trong việc xác định và quản lý rủi ro cũng như lợi ích của cách tiếp cận chủ động.

      Giám sát liên tục các rủi ro đã xác định thông qua một hệ thống. Điều này có thể liên quan đến việc sử dụng các giải pháp công nghệ, thiết lập các cuộc họp đánh giá rủi ro thường xuyên, đánh giá rủi ro định kỳ và tận dụng dữ liệu để phát hiện rủi ro.

      Cập nhật thông tin về các yếu tố bên trong và bên ngoài có thể ảnh hưởng đến bối cảnh rủi ro (xu hướng của ngành, chỉ số kinh tế, thay đổi quy định, tiến bộ công nghệ và rủi ro mới nổi).

      Tích hợp quy trình đánh giá rủi ro liên tục vào kế hoạch chiến lược và ra quyết định tổng thể của tổ chức: Các cân nhắc rủi ro được đưa vào các quyết định, chẳng hạn như: Quyết định đầu tư, phát triển sản phẩm, mở rộng sang thị trường mới và các sáng kiến kinh doanh lớn. Bằng cách kết hợp đánh giá rủi ro vào các quy trình kinh doanh chính, các công ty có thể đưa ra các quyết định sáng suốt để cân bằng giữa rủi ro và lợi ích.

      Theo: Báo Kiểm Toán

      Có thể bạn sẽ thích

      Bình luận

      error: Content is protected !!