Cơ hội thăng tiến, cánh cửa phát triển trong tay bạn.

Đăng ký ngay

    Cơ hội thăng tiến, cánh cửa phát triển trong tay bạn.

    Đăng ký ngay

      a

      FTMS Việt Nam

        /  Kiến thức   /  Kiểm toán Nhà nước là gì? Tất tần tật về Kiểm toán Nhà nước!
      Kiểm toán Nhà nước

      Kiểm toán Nhà nước là gì? Tất tần tật về Kiểm toán Nhà nước!

      Kiểm toán Nhà nước (State Audit) là cơ quan chuyên môn của nhà nước thực hiện các chức năng kiểm toán ngân sách và tài chính công.

      Kiểm toán Nhà nước (tiếng Anh gọi là state audit) là cơ quan chuyên môn của nhà nước được thành lập để thực hiện các chức năng kiểm toán ngân sách và tài chính công, giúp cơ quan công quyền hoạt động minh bạch và hạn chế tham nhũng.

      Trong bài viết này, FTMS Việt Nam sẽ giới thiệu đến các bạn những thông tin cơ bản nhất liên quan đến kiểm toán nhà nước. Mời các bạn cùng tham khảo nhé!

      Kiểm toán Nhà nước là gì?

      Như đã nói ở trên, kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn của nhà nước được thành lập để thực hiện các chức năng kiểm toán ngân sách và tài chính công, giúp cơ quan công quyền hoạt động minh bạch và hạn chế tham nhũng.

      Tại Việt Nam, kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, giúp tài chính nhà nước minh bạch, hạn chế tham nhũng.

      Kiểm toán Nhà nước!

      Lịch sử hình thành Kiểm toán Nhà nước Việt Nam

      Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được chính thức thành lập ngày 11/07/1994 theo Nghị định 70/CP của Chính phủ Việt Nam với chức năng xác nhận tính đúng đắn, hợp lý của tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kế toán nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước tương đương cấp Bộ trưởng, do Thủ tướng bổ nhiệm và Quốc hội phê chuẩn.

      Sau khi Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, cơ quan Kiểm toán Nhà nước chuyển sang trực thuộc Quốc hội; vị trí Tổng kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu theo sự đề cử của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội (5 năm), có thể được bầu lại nhưng không quá 2 nhiệm kỳ. Sửa đổi này được đưa ra nhằm đảm bảo việc kiểm soát ngân sách nhà nước chi tiêu khách quan và độc lập hơn.

      Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII ngày 28/11/2013 đã hiến định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước tại Điều 118:

      • Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
      • Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định.
      • Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội. Trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.

      Quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước

      Kiểm toán Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ theo như quy định tại Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2019. Cụ thể như sau:

      • Trình các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo Nghị quyết trước Quốc hội, Ủy ban thường Vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
      • Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán cung cấp thông tin nhằm phục vụ cho việc kiểm toán.
      • Yêu cầu những đơn vị được kiểm toán thực hiện kết luận và các kiến nghị kiểm toán (nếu có) của Kiểm toán Nhà nước nếu xảy ra sai phạm trong báo cáo tài chính (BCTC) hay trong việc chấp hành luật pháp Việt Nam, khắc phục các sai phạm và yếu kém.
      • Kiến nghị tới các cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán về những sai phạm trong BCTC hoặc trong việc chấp hành pháp luật và đề nghị xử lý các trường hợp không thực hiện theo yêu cầu theo đúng quy trình, quy định.
      • Kiến nghị các cơ quan và người có thẩm quyền xử lý những sai phạm, vi phạm pháp luật của các tổ chức, cơ quan và cá nhân sau khi thực hiện hoạt động kiểm toán.
      • Đề nghị các cơ quan và người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cơ quan và cá nhân có hành vi cản trở hoạt động Kiểm toán Nhà nước.
      • Nếu trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức trưng cầu giám định chuyên môn.
      • Được ủy thác hoặc thuê công ty kiểm toán tiến hành kiểm toán cơ quan, tổ chức quản lý, dùng tài sản công, tài chính công, chịu trách nhiệm về tính trung thực của các số liệu kiểm toán, tài liệu và kết luận liên quan đến công ty kiểm toán thực hiện.
      • Kiến nghị tới Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những cơ quan khác của Nhà nước bổ sung cơ chế, chính sách và pháp luật.

      Đặc trưng của Kiểm toán Nhà nước

      Chủ thể của Kiểm toán Nhà nước

      Chủ thể của Kiểm toán Nhà nước là các Kiểm toán viên Nhà nước. Các kiểm toán viên này là các công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán để đảm nhận thực hiện nghiệp vụ kiểm toán.

      Tiêu chuẩn để trở thành một Kiểm toán viên Nhà nước

      Theo quy định tại Điều 21 Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, Kiểm toán viên nhà nước phải đảm bảo được các tiêu chuẩn công chức theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức như sau:

      • Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan.
      • Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật hoặc chuyên ngành khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán.
      • Đã có thời gian làm việc liên tục từ 05 năm trở lên theo chuyên ngành được đào tạo hoặc có thời gian làm nghiệp vụ kiểm toán ở Kiểm toán Nhà nước từ 03 năm trở lên, không kể thời gian tập sự.
      • Có chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.

      Khách thể của Kiểm toán Nhà nước

      Khách thể của Kiểm toán Nhà nước là các tổ chức, đơn vị, cá nhân có sử dụng hoặc liên quan đến nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Bao gồm các tổ chức, đơn vị, cá nhân sau đây:

      • Các dự án, công trình được ngân sách nhà nước đầu tư.
      • Các doanh nghiệp có vốn 100% ngân sách nhà nước.
      • Các xí nghiệp công cộng thuộc sở hữu nhà nước.
      • Các cơ quan kinh tế, quản lý của nhà nước và các đoàn thể xã hội.
      • Các cá nhân có nguồn từ ngân sách nhà nước.

      Các loại hình Kiểm toán Nhà nước

      Hoạt động chủ yếu của Kiểm toán Nhà nước là thực hiện kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động các tổ chức, đơn vị, cá nhân có sử dụng hoặc liên quan đến nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

      Hai loại hình chính của Kiểm toán Nhà nước là:

      • Thực hiện xác minh tính trung thực, đúng đắn của Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước.
      • Chỉ ra những vấn đề sai phạm, bất cập trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước.

      Giá trị pháp lý của báo cáo Kiểm toán Nhà nước

      Các báo cáo kiểm toán do nhà nước phát hành đều có giá trị pháp lý cao. Mục đích là để phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân… để từ đó xem xét và quyết định dự toán ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương nhằm sử dụng, quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước.

      Các tổ chức, đơn vị được kiểm toán phải có trách nhiệm thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và trong vấn đề tuân thủ pháp luật, đồng thời, có trách nhiệm thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục các yếu kém, sai lệch trong hoạt động của tổ chức, đơn vị do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị.

      Tổng Kiểm toán Nhà nước hiện nay là ai?

      Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam hiện nay là ông Ngô Văn Tuấn. Chiều ngày 21/10/2022, với 459/461 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Ngô Văn Tuấn, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.

      Tổng Kiểm toán Nhà nước

      Vai trò của Tổng Kiểm toán Nhà nước

      Tổng Kiểm toán Nhà nước của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người lãnh đạo cao nhất của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

      Trước đây, Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Chính phủ, chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước tương đương cấp Bộ trưởng, do Thủ tướng bổ nhiệm và Quốc hội phê chuẩn.

      Sau khi Luật Kiểm toán Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2006, cơ quan Kiểm toán Nhà nước chuyển sang trực thuộc Quốc hội; vị trí Tổng kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu theo sự đề cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

      Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm. Có thể được bầu lại nhưng không quá 2 nhiệm kỳ. Sửa đổi này được đưa ra nhằm đảm bảo việc kiểm soát ngân sách nhà nước chi tiêu khách quan và độc lập hơn.

      Các cơ quan trực thuộc Kiểm toán Nhà nước Việt Nam

      Cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam hiện nay bao gồm 32 Vụ và đơn vị tương đương cấp Vụ, đứng đầu các Vụ là Vụ trưởng, đứng đầu các Chuyên ngành và các Khu vực của Kiểm toán Nhà nước là Kiểm toán trưởng (cấp Vụ trưởng).

      Các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành

      1. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước
      2. Vụ Tổ chức cán bộ
      3. Vụ Tổng hợp
      4. Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán
      5. Vụ Pháp chế
      6. Vụ Hợp tác quốc tế
      7. Thanh tra Kiểm toán Nhà nước
      8. Văn phòng Đảng – Đoàn thể

      Các đơn vị Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành

      1. Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành Ia, phụ trách lĩnh vực quốc phòng;
      2. Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành Ib, phụ trách các lĩnh vực gồm: An ninh, tài chính và ngân sách Đảng, hoạt động cơ yếu, dự trữ Nhà nước;
      3. Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II, phụ trách các lĩnh vực gồm: ngân sách trung ương của các bộ, ngành kinh tế tổng hợp;
      4. Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III, phụ trách các lĩnh vực gồm: ngân sách trung ương của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ…;
      5. Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV, phụ trách các lĩnh vực gồm: đầu tư, dự án hạ tầng cơ sở;
      6. Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V, phụ trách các lĩnh vực gồm: đầu tư, dự án công nghiệp, dân dụng;
      7. Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI, phụ trách các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước;
      8. Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII, phụ trách các ngân hàng và các tổ chức tài chính.

      Các đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực

      1. Kiểm toán Nhà nước khu vực I (trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội) phụ trách 5 địa phương gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình
      2. Kiểm toán Nhà nước khu vực II (trụ sở đặt tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) phụ trách 5 địa phương gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế
      3. Kiểm toán Nhà nước khu vực III (trụ sở đặt tại thành phố Đà Nẵng) phụ trách 4 địa phương gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định
      4. Kiểm toán Nhà nước khu vực IV (trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh) phụ trách 4 địa phương gồm: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Tây Ninh
      5. Kiểm toán Nhà nước khu vực V (trụ sở đặt tại thành phố Cần Thơ) phụ trách 6 địa phương gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau
      6. Kiểm toán Nhà nước khu vực VI (trụ sở đặt tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) phụ trách 5 địa phương gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên
      7. Kiểm toán Nhà nước khu vực VII (trụ sở đặt tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) phụ trách 6 địa phương gồm: Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu
      8. Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII (trụ sở đặt tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) phụ trách 4 địa phương gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng
      9. Kiểm toán Nhà nước khu vực IX (trụ sở đặt tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) phụ trách 6 địa phương gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang
      10. Kiểm toán Nhà nước khu vực X (trụ sở đặt tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) phụ trách 6 địa phương gồm: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng
      11. Kiểm toán Nhà nước khu vực XI (trụ sở đặt tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phụ trách 4 địa phương gồm: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình
      12. Kiểm toán Nhà nước khu vực XII (trụ sở đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) phụ trách 4 địa phương gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông
      13. Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII (trụ sở đặt tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) phụ trách 4 địa phương gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai

      Các đơn vị sự nghiệp

      1. Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán.
      2. Trung tâm Tin học.
      3. Báo Kiểm toán.

      Văn phòng Kiểm toán Nhà nước có con dấu riêng. Kiểm toán Nhà nước khu vực và các đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng.

      Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành thực hiện kiểm toán theo chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức ở Trung ương.

      Kiểm toán Nhà nước khu vực thực hiện kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương trên địa bàn khu vực và các nhiệm vụ kiểm toán khác theo sự phân công của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

      Có thể bạn sẽ thích

      Bình luận

      error: Content is protected !!