Cơ hội thăng tiến, cánh cửa phát triển trong tay bạn.

Đăng ký ngay

    Cơ hội thăng tiến, cánh cửa phát triển trong tay bạn.

    Đăng ký ngay

      a

      FTMS Việt Nam

        /  Kiến thức   /  Vụ bê bối kế toán gây rúng động thị trường tài chính Thái Lan
      Vụ bê bối kế toán gây rúng động thị trường tài chính Thái Lan

      Vụ bê bối kế toán gây rúng động thị trường tài chính Thái Lan

      Từ câu chuyện thành công của cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan, Stark Corp. trở thành một trong những nỗi lo tài chính lớn nhất xứ sở chùa vàng.

      Chỉ một năm trước, Stark Corp. được xem là một câu chuyện thành công trong cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan. Được sự hậu thuẫn của một doanh nhân giàu có trong nước, nhà sản xuất dây cáp điện này tích cực tiến hành thâu tóm để lần đầu tiến ra bên ngoài thị trường châu Á. Nhưng hiện nay, Stark trở thành một trong những nỗi lo tài chính lớn nhất ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á. Bị sa lầy trong một vụ bê bối kế toán, Stark đã mất 99% giá trị vốn hóa thị trường và vỡ nợ đối với một số lô trái phiếu.

      Tăng trưởng nhanh chóng thông qua thâu tóm

      Nguồn gốc của Stark bắt đầu từ năm 1990, khi công ty được thành lập với tư cách là nhà xuất bản và phân phối truyện tranh có tên gọi Siam Inter Multimedia. Công ty đổi tên thành Stark Corp. vào năm 2019, khoảng một năm sau khi Vonnarat Tangkaravakoon, một doanh nhân xuất thân từ một trong những gia tộc giàu có nhất Thái Lan, giành được phần lớn quyền kiểm soát công ty. Tính đến tháng 10 năm ngoái, Vonnarat là cổ đông lớn nhất của Stark với 45% cổ phần.

      Vonnarat đã chuyển đổi công ty truyền thông và xuất bản này thành nhà sản xuất dây cáp điện và linh kiện thông qua việc mua lại nhà sản xuất cáp Phelps Dodge International (Thailand) Ltd.

      Vonnarat là con trai cả của Prachak Tangkaravakoon, người sáng lập TOA Paint, nhà sản xuất sơn lớn nhất Thái Lan.

      Dưới sự dẫn dắt Vonnarat, Stark tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng thông qua hoạt động thâu tóm, bao gồm việc mua lại các doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp tại Việt Nam. Hồi tháng 5 năm ngoái, Stark công bố một thỏa thuận trị giá 560 triệu euro để mua lại Leoni Business Group Automotive Cable Solutions, nhà sản xuất giải pháp cáp ô tô của Đức. Đây là bước mở rộng lớn đầu tiên của công ty bên ngoài châu Á.

      Dấu hiệu bất ổn đầu tiên của Stark xuất hiện vào tháng 12, khi công ty tuyên bố rút lui khỏi thương vụ Leoni với lý do chiến tranh ở Ukraine tác động tiêu cực lên nền kinh tế Đức. Dù đã huy động được 5,58 tỉ baht từ các nhà đầu tư bao gồm hai ngân hàng Credit Suisse và HSBC để tài trợ cho thỏa thuận thâu tóm Leoni, nhưng Stark cho biết muốn sử dụng số tiền này cho các mục đích khác. Leoni AG và Leoni Bordnetz-Systeme GmbH, các chủ sở hữu của Leoni, đã yêu cầu Stark bồi thường 608 triệu euro vì không thực hiện thỏa thuận.

      Hồi tháng 2, CEO của Stark đột ngột từ chức, với lý do cá nhân. Cuối tháng đó, Stark cho biết không thể nộp báo cáo tài chính trước hạn cuối ngày 01/03, với lý do “một số thông tin” đang được kiểm toán viên xem xét. Ngay sau đó, cổ phiếu của Stark bị đình chỉ giao dịch và Chủ tịch của Stark, Chanin Yensudchai cùng các thành viên hội đồng quản trị khác nhanh chóng từ chức.

      Đến cuối tháng 5, Stark lại trì hoãn báo cáo tài chính, khiến sự ngờ vực càng tăng cao. Các nhà đầu tư của hai lô trái phiếu trị mà Stark phát hành, có giá trị tổng cộng 2,24 tỉ baht đã yêu cầu công ty thanh toán ngay cả gốc lẫn lãi. Cổ phiếu của Stark đã giảm giá 92% vào ngày 01/06, ngày giao dịch đầu tiên sau hơn hai tháng bị đình chỉ.

      Nhiều bất thường trong báo cáo tài chính

      Hầu hết các nhà đầu tư đều nắm rõ mức độ các vấn đề của Stark vào ngày 16/06 khi công ty công bố báo cáo tài chính, cho thấy công ty lỗ ròng 6,61 tỉ baht vào năm 2022, đồng thời điều chỉnh lại kết quả kinh doanh 2021 với mức lỗ 5,97 tỉ baht, thay vì lãi 2,78 tỉ baht như báo cáo ban đầu. Công ty cho biết đã xác định được “nhiều lỗi” trong các báo cáo tài chính trước đó. Công ty cũng tiết lộ chi tiết về cuộc kiểm toán đặc biệt do PricewaterhouseCoopers thực hiện, trong đó, chỉ ra nhiều điểm bất thường. Chẳng hạn, cuộc kiểm toán phát hiện 202 “giao dịch bán hàng bất thường” trị giá 8 tỉ baht vào năm 2022 và 3,59 tỉ baht vào năm 2021. Chúng bao gồm giả mạo tên người trả tiền và các khoản thanh toán đại diện cho khách hàng đến từ tài khoản của các cựu lãnh đạo của Stark.

      Vào hôm 20/06, những người nắm giữ ba lô trái phiếu khác của Stark đáo hạn từ năm 2024 đến năm 2025 với tổng trị giá 6,95 tỉ baht cũng yêu cầu thanh toán ngay lập tức, làm tăng thêm khó khăn tài chính cho Stark. Họ yêu cầu công ty trả gốc và lãi trước ngày 20/07. Adisorn Songkhla Co., một đơn vị thành viên của Stark, cũng đã vỡ nợ đối với ba lô trái phiếu trị giá 127 triệu baht vào ngày 01/06.

      Cổ phiếu của Stark đã giảm mạnh xuống gần bằng 0, khiến vốn hóa của công ty chỉ còn khoảng 11 triệu đô la so với mức cao nhất của năm ngoái là hơn 1,7 tỉ đô la.

      Tính đến ngày 31/12 năm ngoái, Stark có tổng nợ khoảng 39 tỉ baht, phần lớn là trái phiếu, các khoản vay và tín dụng thương mại. Công ty có vốn chủ sở hữu âm 4,4 tỉ baht, do tổng nợ phải trả vượt quá tài sản. Hồi đầu tháng 6-2023, công ty cảnh báo về khả năng vỡ nợ đối với các lô trái phiếu có giá trị tổng cộng 9 tỉ baht (260 triệu đô la).

      Giới đầu tư tránh xa trái phiếu có mức tín nhiệm thấp

      Vụ bê bối kiểm toán của Stark khiến giới đầu tư giám sát kỹ lượng hơn về các rủi ro tài chính tiềm ẩn ở Thái Lan vào thời điểm họ không chắc chắn về tình trạng bế tắc chính trị sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng trước sẽ được giải quyết như thế nào. Chỉ số chứng khoán chuẩn của Thái Lan giảm khoảng 10% trong năm nay, và các nhà đầu tư nước ngoài đã rút hơn 3 tỉ đô la khỏi chứng khoán Thái Lan.

      “Sự cố của Stark chắc chắn đã ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư vì họ hiện rất thận trọng trong các quyết định đầu tư. Họ không rõ công ty nào ở Thái Lan có quản trị tốt hay kém. Stark được kiểm toán bởi một trong những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. Thế nhưng, các kiểm toán viên lại không thể nắm bắt được những điểm bất thường của Stark trước khi công ty này vỡ nợ”, Niwes Hemvachiravarakorn, người sáng lập Thai Value Investor Club, nói.

      Hôm 22/06, Somjin Sornpaisarn, Chủ tịch Hiệp hội thị trường trái phiếu Thái Lan (TBMA), nói rằng giới đầu tư nên coi Stark là trường hợp cá biệt, vì những rắc rối của công ty bắt nguồn từ sự quản lý kém.

      Tuy nhiên, vụ vỡ nợ lớn nhất kể từ khi hãng hàng không Thai Airways International nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2020 làm dấy lên lo ngại về thị trường rộng lớn hơn, đặc biệt là trái phiếu của những doanh nghiệp Thái Lan có mức tín dụng thấp. Theo TBMA, các nhà đầu tư hiện đang tránh xa những thương vụ chào bán trái phiếu như vậy do lo ngại các công ty phát hành không thể trả được nợ. Một số công ty Thái Lan có xếp hạng dưới mức đầu tư đã không thể hoàn thành mục tiêu bán trái phiếu kể từ khi Stark thông báo vỡ nợ hồi đầu tháng 6.

      Các nhà quản lý Thái Lan hiện đang nỗ lực củng cố niềm tin vào thị trường. Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Thái Lan đã yêu cầu Stark tiến hành một cuộc kiểm toán đặc biệt để điều tra sự bất thường trong các báo cáo tài chính của công ty.

      Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) có kế hoạch thắt chặt các quy định đối với các công ty muốn niêm yết cửa sau giống như việc Stark niêm yết gián tiếp vào năm 2019 thông qua việc thâu tóm Siam Inter Multimedia. SET cũng có thể đưa ra nhiều cảnh báo hơn đối với các công ty có kết quả hoạt động tài chính xấu chẳng hạn thua lỗ liên tục và khi kiểm toán viên bày tỏ sự nghi ngờ đối với báo cáo tài chính.

      Theo: Kinh tế Sài Gòn Online

      Có thể bạn sẽ thích

      Bình luận

      error: Content is protected !!